Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên có diện tích đầu tư 9,9 ha, gồm 3 giai đoạn thi công với các hạng mục: Giai đoạn 1 là phục dựng Giếng Tiên, khu nhà truyền thống; Giai đoạn 2: Vận hành cung cấp dịch vụ gồm khu vực tổ chức lễ hội truyền thống, khu phục dựng tượng truyền thống, khu trò chơi dân gian, ẩm thực; Giai đoạn 3: Xây dựng bảo tàng trưng bày hiện vật, khu phục dựng ghe Ngo, ghe Cà Hâu với tổng kinh phí dự kiến là 200 tỷ đồng, hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch tỉnh nhà.
Theo Thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa Bốn Mặt, xã Phú Tân: “Giếng Tiên có từ bao giờ thì không ai xác định được, nhưng theo lời truyền tụng của các bậc cao niên thì Giếng Tiên có cách đây cả ngàn năm. Nói là giếng nhưng không phải hình tròn và sâu như giếng ở nông thôn mà thực chất là một cái ao đầm rộng khoảng 3 ha. Giếng Tiên không chỉ có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, mà còn được nhiều người dân ở địa phương truyền cho nhau nghe về sự kỳ diệu, linh thiêng khi đến cầu nguyện. Khách thập phương đến cầu an, mong ban phước lành, sự sung túc và cầu tự”.
Bên cạnh phục vụ văn hóa tâm linh, Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên sẽ góp phần giải quyết việc làm cho bà con địa phương. Bà Triệu Thị Vui - Nghệ nhân vẽ tranh trên kiếng ngụ ấp Phước Thuận, xã Phú Tân bộc bạch: “Dân ở đây người ta làm phước cầu an mỗi năm. Trước đây bà con làm nông nhưng do thiếu nước nên trồng lúa cũng không mấy gì trúng. Nên bây giờ tôi thấy phấn khởi khi khởi công Khu du lịch Giếng Tiên, người dân sẽ có thêm công ăn việc làm, hạn chế bỏ địa phương đi làm ăn xa. Du khách đến đây tham quan, tôi cũng sẽ bán được tranh kiếng, rồi người ta sẽ biết đến loại hình nghệ thuật này nhiều hơn, văn hóa Khmer cũng được quảng bá”