Làng nghề làm cốm dẹp

Giờ mở cửa: 07:00:00 - 17:30:00
Địa chỉ: Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
Số điện thoại liên hệ:
Giới thiệu

Cốm dẹp là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, một trong những lễ vật quan trọng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Oóc Om Bóc (lễ cúng Trăng). Theo các nghệ nhân, nghề làm cốm dẹp là một trong những nghề đã xuất hiện từ rất sớm của đồng bào Khmer. Tuy đã tồn tại và phát triển từ lâu và được duy trì cho đến nay, nhưng hiện không có tài liệu nào ghi chép cụ thể về nghề truyền thống làm cốm dẹp. Do đó, việc truyền nghề của bà con từ đời này sang đời khác chủ yếu là hướng dẫn làm trực tiếp theo dạng "cha truyền con nối". Từ xưa, nghề đâm, giã cốm dẹp ở Sóc Trăng đã là một nghề truyền thống của nhiều làng có người Khmer, nhất là làng nghề Cốm dẹp xã Phú Tân, huyện Châu Thành, gần như cung cấp quanh năm cho khách hàng. Theo thời gian, vị ngon ngọt và thơm mùi nếp mới của cốm dẹp đã bước ra khỏi lũy tre của phum, sóc, trở thành món ăn lạ miệng được bán quanh năm trên thị trường. Nhiều bà con Khmer cũng gắn bó với nghề đâm cốm dẹp và có cuộc sống khấm khá, dù nghề này phải thức khuya, dậy sớm và tốn nhiều công sức.

     Cốm dẹp được giã từ loại lúa nếp vừa đỏ đuôi. Cốm mới giã khá giòn, ăn rất thơm mùi nếp mới. Nhưng muốn ăn ngon hơn người ta phải trộn cốm dẹp với dừa rám, ít nước dừa và đường cát trắng. Trung bình khoảng 1kg cốm dẹp thì dùng một trái dừa rám đã nạo, nước dừa và 0.5kg đường. Cho cốm dẹp vào một cái thau, sau đó rưới nước dừa vào để khoảng 30 phút cho nước dừa thấm đều vào cốm. Tiếp tục cho đường vào trộn đều, để khoảng 30 phút là có thể dùng được. Khi ăn, cho thêm một ít dừa nạo, đậu phộng rang giã nhuyễn, đậu xanh hấp hoặc mè sẽ tăng thêm mùi vị hấp dẫn cho món ăn.

 Ngày nay, do nhiều biến động và đổi thay kinh tế, nên nghề làm cốm dẹp chỉ còn khoảng 20 hộ hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

     Làng cốm dẹp Phước Quới là nghề truyền thống. Nghề này rất vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và cũng lắm công phu. Là một trong những gia đình gắn bó với nghề làm cốm dẹp truyền thống tại ấp Phước Quới từ lâu đời, chị Lâm Thị Phuôl, hiện là chủ cơ sở sản xuất cốm dẹp với 4 lò rang lúa nếp, 2 cối quết có từ 4 - 6 lao động. Chị Phuôl chia sẻ, để có được những mẻ cốm dẹp thơm ngon cần có cách làm và bí quyết riêng.

     Muốn cho cốm dẹp ngon thì lúa nếp khi mua về phải đem ngâm, rửa cho sạch để nếp nở và lấy hạt lép ra. Sau đó để ráo nước, đem rang. Đặc biệt, khi rang lửa nhỏ vừa, đến khi có hạt nếp nổ là nếp vừa chín tới, phải đem đi giã ngay. Làm như vậy, mới đảm bảo cốm sẽ đạt được độ dẻo, vị thơm, ngon. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất cốm dẹp của gia đình chị Phuôl sản xuất gần 20 tấn cốm dẹp, còn vào ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc nhu cầu tăng lên nên phải hợp đồng mua lúa nếp tại tỉnh Trà Vinh, Long An, v.v...

 Hàng ngày, bắt đầu từ 2 giờ khuya đến 8 giờ sáng, chiều từ 13 giờ đến 18 giờ, các hộ dân tại làng nghề bắt đầu cùng nhau làm cốm dẹp tại nhà, hoặc đi làm công cho cơ sở khác. Bình quân, mỗi ngày làm hơn 100kg nếp, thu được 60kg cốm nên thu nhập cũng được trên 100.000 đồng/lao động/ngày. Thường thì phụ nữ rang nếp, sàng cốm, còn đàn ông thì giã cốm dẹp. Đầu tiên, thì giã nhẹ tay, sau đó thì mạnh dần. Khi thấy cốm gần trắng thì giã mạnh tay khoảng chừng 10 chày nữa là cốm sẽ trắng đều. Nhờ làm cốm dẹp mà có nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập.

     Nhiều năm nay, cốm dẹp của làng nghề được thương lái khắp tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long tìm đến tận nơi để mua. Từ một địa phương sản xuất cốm dẹp theo hộ gia đình nhỏ lẻ, đến nay, làng cốm dẹp Phước Quới đã tổ chức sản xuất theo cơ sở. Dù các cơ sở chưa có tên và thương hiệu cụ thể nhưng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.

     Trong quá trình hội nhập và phát triển như hiện nay, làng nghề truyền thống đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Bên cạnh một số cơ sở vẫn làm theo kiểu truyền thống thủ công, hiện nay có một vài cơ sở, hộ gia đình đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất, nhằm tăng sản lượng, giảm lao động và chi phí, do đó lợi nhuận được tăng lên đáng kể.

     Trong tương lai gần, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành tỉnh, huyện tranh thủ quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc Dự án “Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên”, Dự án du lịch “Văn hóa làng nghề dân tộc xã Phú Tân” để phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Đây là điều kiện để thúc đẩy hợp tác xã làng nghề Phú Tân nói chung, nghề làm cốm dẹp ấp Phước Quới nói riêng sẽ có bước phát triển trong tương lai, nhằm và bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, phát triển du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm của các làng nghề truyền thống